Đột phá hiệu năng vận hành chuỗi cung ứng với 5 ứng dụng AI trong Logistics - VTI Solutions

Đột phá hiệu năng vận hành chuỗi cung ứng với 5 ứng dụng AI trong Logistics

ai logistics

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo – AI đã thúc đẩy sự tăng trưởng của hầu hết các ngành công nghiệp dịch vụ, và Logistics cũng không ngoại lệ. Ứng dụng AI trong Logistics đã mở ra “kỷ nguyên chuyển đổi số” và đẩy mạnh tốc độ phát triển của ngành công nghiệp này với khả năng tích hợp, kết nối mạnh mẽ, tự động hoá và đơn giản hoá nhiều quy trình giúp doanh nghiệp tiết kiệm lượng lớn thời gian và chi phí.

Quản lý chuỗi cung ứng (SCM) trong Công nghiệp 4.0 và Logistics 4.0 là một trong những ngành quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với nền kinh tế. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển theo hướng thương mại điện tử cùng với sự bùng nổ của việc mua bán, giao dịch thông qua hình thức trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như Amazon, Shopee, Tiki, Lazada,… đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của Logistics. Hệ thống Logistics giúp liên kết và tối ưu toàn bộ quá trình sản xuất và lưu thông trên phạm vi rất rộng, từ phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Logistics. Nếu như trước đây, bài toán kho bãi kết hợp với những yêu cầu cao về lao động, kiểm soát, đóng gói và vận chuyển hàng hoá làm tiêu tốn không ít chi phí của doanh nghiệp thì giờ đây, mục tiêu của Logistics 4.0 là đơn giản hoá các quy trình, tăng hiệu quả, tiết kiệm lao động và tiêu chuẩn hoá lực lượng lao động trong quản trị chuỗi cung ứng và ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Những điểm khác biệt của Logistics thế hệ 4.0

Theo Hội đồng quản trị Logistics của Hoa Kỳ, Logistics là quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm soát một cách có hiệu quả về mặt chi phí quá trình luân chuyển và dự trữ nguyên vật liệu, bán thành phẩm và thành phẩm cùng những thông tin liên quan từ điểm xuất phát của quá trình sản xuất đến nơi tiêu thụ cuối cùng với sự phối hợp của lực lượng con người và máy móc, phương tiện nhằm mục đích thỏa mãn được yêu cầu của khách hàng.

ứng dụng AI trong logistics
Chuỗi logistics từ sản xuất đến tiêu dùng

Ngoài yếu tố quan trọng là con người, công nghệ là lợi thế cạnh tranh then chốt trong thị trường Logistics đầy tiềm năng nhưng cũng đầy cạnh tranh này. Logistics 4.0 tập trung vào việc sử dụng các công nghệ mới và sáng tạo, chẳng hạn như xử lý đơn đặt hàng vận tải với các phiếu gửi hàng điện tử mà không cần giấy tờ. Từ việc ứng dụng công nghệ AI vào trong hoạt động cung ứng hàng hoá đã tạo ra sự khác biệt cho Logistics thế hệ 4.0 đó là: 

  • Nhận dạng tự động (Automatic Identification)
  • Định vị trong thời gian thực (Real-time locating)
  • Kết nối vạn vật (Internet of Things, IoT)
  • Xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong hệ thống mạng thực – ảo
  • Internet kinh doanh (Internet of Business, IoB) hay eBusiness

Ngoài ra, Logistics 4.0 còn là sự kết hợp của nhiều công nghệ để vận hành trơn tru bao gồm GPS, mã vạch, mã Ma trận dữ liệu, nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) và cảm biến, trao đổi dữ liệu điện tử (EDI), Internet và viễn thông, cũng như kiến ​​trúc, phần mềm tại chỗ và đám mây. Những tiến bộ về kỹ thuật và công nghệ đã làm thay đổi tích cực trong hoạt động vận hành chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Logistics, đem đến những lợi ích từ việc ứng dụng AI trong Logistics sau: 

Loại bỏ chi phí không cần thiết

Tự động hoá các tác vụ lặp đi lặp lại

Dự báo chính xác hơn

Duy trì chất lượng sản phẩm

Theo dõi và giám sát theo thời gian thực 

Cải thiện việc vận chuyển hàng hóa và dịch vụ

Cải thiện việc ra quyết định

Việc ứng dụng AI trong Logistics dựa trên sự phát triển chủ yếu của Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT) và Dữ liệu khổng lồ (Big Data) có thể giải quyết các vấn đề về lao động, phương tiện mà nhiều doanh nghiệp đang đối mặt và đáp ứng được tất cả các nhu cầu của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

AI đã thay đổi cách vận hành Logistics như thế nào?

Chuỗi cung ứng Logistics hiện đang là ngành có nhiều cải tiến trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 và đã có những bước đột phá mới mẻ. Dưới đây là 5 ứng dụng AI trong Logistics.

Lập kế hoạch Logistics

Logistics là công việc đòi hỏi phải lập kế hoạch cụ thể, chi tiết và có thể linh hoạt liên kết, phối hợp giữa nhà cung cấp, khách hàng và các phòng ban khác có liên quan. Các doanh nghiệp Logistics có thể ứng dụng ML (Machine Learning) vào việc lập kế hoạch với khả năng dự đoán, dự báo tồn kho, nhu cầu và nguồn cung giúp doanh nghiệp dễ dàng phân tích số liệu và lập kế hoạch phù hợp. Bên cạnh đó, ML với khả năng đặc biệt có thể đối phó với các tình huống không được dự đoán trước do các trường hợp khẩn cấp.

Ứng dụng AI vào Logistics đưa ra những phân tích về số liệu nhanh và chính xác nhất mà không mất quá nhiều thời gian. Điều này giúp tối ưu hoá việc phân phối hàng hoá và đảm bảo cân bằng giữa cung và cầu. 

Robot trong vận chuyển và giao hàng

Vận chuyển hàng hoá là những thao tác lặp đi lặp lại và tiêu tốn khá nhiều thời gian cũng như sức lao động. Trí tuệ nhân tạo trong Logistics tăng khả năng tự động hóa trong toàn bộ quy trình giao hàng: kiểm soát đơn hàng, kiểm soát tồn kho, sản phẩm, tối ưu quãng đường, quản lý đội xe theo thời gian thực (tracking)… 

  • Xe tự hành AGV: Có thể dễ dàng nhận thấy sự gia tăng trong sử dụng xe tự hành AGV và robot di chuyển tự động. Với khả năng di chuyển dễ dàng trong nhà kho mà không cần sự hướng dẫn của con người, xe tự hành AGV có thể cải thiện hoạt động giao hàng một cách hiệu quả, tiết kiệm thời gian, di chuyển hàng an toàn và mang lại những lợi ích thiết thực. 
  • Robot: Nhu cầu vận hành nhanh chóng, linh hoạt và hiệu quả đã khiến xu hướng sử dụng Robot trong lĩnh vực Logistics thực sự cất cánh trong những năm gần đây. Robot có thể được sử dụng để thay thế con người trong bất kỳ quy trình trong kho hàng như nhận hàng, lưu kho, quản lý kho, xử lý đơn hàng và vận chuyển. 
  • Drone – máy bay giao hàng không người lái: Loại công nghệ này đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới nói chung và là giải pháp tối ưu trong tình trạng giao thông “khắc nghiệt” ở Việt Nam nói riêng, các drone được lập trình để giao kiện hàng đến một địa điểm hoặc chuỗi các địa điểm được quy định một cách rất nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian, chi phí vận chuyển, tránh sai sót so với vận chuyển truyền thống.

Theo khảo sát, ứng dụng công nghệ AI vào hoạt động vận tải Logistics giúp các doanh nghiệp có thể giảm 14% chi phí giao hàng chặng cuối và tăng số lượng hàng giao trên mỗi xe lên 13%. 

Nhà kho thông minh

ứng dụng AI trong Logistics
Mô hình nhà máy thông minh từ việc ứng dụng AI kết hợp Robot tự động hoá

Các nhà kho được vận hành tự động thông minh khi AI và IoT tiếp tục kết nối mọi thứ, trong đó các kệ xếp hàng IoT, hệ thống kiểm tra và giám sát IoT bao gồm thiết bị thông gió, làm mát (lạnh)… đảm bảo yêu cầu bảo quản hàng hóa, giám sát an ninh, phòng chống cháy nổ,… Các máy móc thiết bị làm hàng cũng được tự động hóa và gắn kết với hệ thống mạng. Các IoT ngày càng được sử dụng phổ biến và đóng vai trò then chốt trong giai đoạn này. Những ưu điểm nổi bật và quan trọng của Smart Warehouse:

  • Hệ thống kho thông minh, vận hành tự động một cách an toàn và dễ dàng. 
  • Hệ thống kho có độ ổn định cao, chi phí vận hành thấp
  • Quản lý và điều khiển linh hoạt, dễ dàng đáp ứng theo nhu cầu của khách hàng
  • Khả năng lưu trữ tăng đáng kể

Với những đặc điểm tương tự như ứng dụng IoT trong nhà máy thông minh (Smart Factory), nhà kho thông minh (Smart Warehouse) mang đến khả năng tự động hoá ở mọi thành phần của kho nhờ mạng lưới các thiết bị IOT được kết nối thông qua internet và vận hành bởi các chuỗi lệnh, thuật toán Logistics tối ưu hoá quá trình sắp xếp, quản lý kho bãi. Ngoài ra, nhà kho thông minh còn cung cấp chế độ bảo quản hàng hoá như làm lạnh, thông khí, tránh ánh nắng,… và bảo vệ an toàn kho bãi khỏi các sự cố cháy nổ, rò điện, xâm nhập bất hợp pháp,..

Không chỉ vậy, còn có các giải pháp đơn giản mà vô cùng hiệu quả khác như việc lắp đặt hệ thống giao thông nội bộ thông minh bên trong nhà máy để giảm chi phí nhân công, thiết bị, tăng tối đa tốc độ lưu chuyển hàng hoá ví dụ như hệ thống băng tải pallet, băng tải con lăn,… Trong tương lai, các kho chứa hàng hóa sẽ được thiết kế khác biệt hoàn toàn, thay vì chỉ dành cho con người, các kho chứa hàng sẽ được xây dựng dành riêng cho những cỗ máy làm việc 24/7 mà không cần sự giám sát.

Dự đoán nhu cầu

ứng dụng AI trong Logistics
Nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng trưởng đòi hỏi những dự toán, phân tích dựa trên khối lượng lớn dữ liệu hàng hoá

Sự tăng trưởng nhanh của dữ liệu không còn xa lạ gì với ngành Logistics và chuỗi cung ứng. Kết hợp Big Data (Dữ liệu lớn) và AI trong quản lý chuỗi cung ứng cho phép các doanh nghiệp Logistics quản lý lịch sử giao hàng dễ dàng và dự báo nhu cầu về hàng hoá chính xác hơn, hiểu rõ hơn về chu kỳ mua của khách hàng, ước tính và đưa ra các quyết định tốt hơn dựa trên các dữ liệu cũ. Thuật toán AI hoạt động tự động dựa trên dữ liệu lịch sử từ các hoạt động trong quá khứ, giảm lỗi sai sót của con người trong chuỗi cung ứng. Thậm chí, AI có thể dự báo doanh thu hoặc lợi nhuận trong ngắn hạn để tăng tỷ lệ thành công và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng doanh thu. 

Thành công của Amazon đã cho thấy vai trò quan trọng của Big Data trong việc khai thác cơ hội từ dữ liệu từ hơn 152 triệu khách hàng để hiểu hành vi mua hàng và giới thiệu các sản phẩm dựa trên lịch sử mua hàng và các sản phẩm liên quan. 

Ứng dụng AI để tự động hóa quy trình back-office

Back-office là đơn vị hậu cần tuyến sau không thông qua tiếp xúc với khách hàng, tuy vậy vai trò của phòng ban này không kém phần quan trọng đối với sự vận hành và phát triển doanh nghiệp. Back-office có nhiệm vụ quản lý, sắp xếp, sử dụng nguồn thông tin quan trọng của công ty như kế hoạch chi tiêu, lương thưởng, dữ liệu khách hàng,… Những tác vụ văn phòng này cũng góp phần không nhỏ vào quy trình hoạt động của Logistics, vì vậy việc kết hợp AI vào trong Back-office giúp gia tăng năng suất, hiệu quả công việc, cải thiện tiến độ và mang tính tức thời, chính xác của máy tính hỗ trợ con người. 

AI cung cấp khả năng điều phối vận chuyển bằng các thuật toán Logistics thông minh, vạch ra kế hoạch nhân công, lộ trình và hỗ trợ theo dõi vị trí đơn hàng trực tuyến từ xa. AI giúp các nhà quản lý dễ dàng hơn trong việc tạo lập hồ sơ lưu trữ cũng như cập nhật được tình trạng đơn hàng bằng các báo cáo chi tiết, đầy đủ thông tin được gửi tự động qua đa dạng các phương thức liên lạc.

Xem thêm

Ứng dụng của AI trong ngành bán lẻ

Ứng dụng của AI trong khối văn phòng

Ứng dụng của AI trong ngành sản xuất

0/5 - (0 bình chọn)