Nắm bắt 5 xu hướng quản trị nhân sự tại các doanh nghiệp top đầu - VTI Solutions

Nắm bắt 5 xu hướng quản trị nhân sự tại các doanh nghiệp top đầu

xu hướng quản trị nhân sự

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự tham gia của thế hệ lao động trẻ, năng động đã tạo ra nhiều biến động lớn trong thị trường lao động. Nắm bắt được xu hướng quản trị nguồn nhân lực hiện nay là điều quan trọng trong việc điều hành cũng như phát triển nhân sự trong doanh nghiệp. VTI Solutions gửi đến bạn 5 xu hướng HR có tác động mạnh mẽ đến hệ thống quản trị nhân sự trong kỷ nguyên số 4.0.

Mô hình làm việc kết hợp Hybrid

Hybrid Working là mô hình làm việc cho phép nhân viên lựa chọn làm việc từ xa & tại văn phòng. Mặc dù xuất phát điểm chỉ là hình thức làm việc thích ứng với dịch bệnh, Hybrid vẫn nổi lên mạnh mẽ như một xu hướng làm việc phổ biến trong giai đoạn bình thường mới hậu đại dịch Covid. 

Hybrid đại diện cho nhu cầu làm việc linh hoạt, phong cách tự do của lực lượng lao động trẻ hiện tại và ứng dụng của khoa học công nghệ hoạt động như cầu nối nới rộng không gian, thu hẹp khối thời gian lãng phí. Theo nghiên của Accenture Future of Work Study 2021, 83% trong tổng số 9,000 người được khảo sát lựa chọn mô hình làm việc kết hợp Hybrid. Con số này cho thấy tầm ảnh hưởng của nó đối với nguồn nhân lực hiện đại trong thói quen làm việc của lực lượng lao động hiện tại và xu hướng quản trị. 

Hiệu quả của mô hình Hybrid Working là giúp các nhân viên có thể đảm bảo chỉ tiêu và khối lượng công việc nhưng vẫn cân bằng được công việc và cuộc sống (work-life balance) thông qua làm việc linh hoạt tại văn phòng và tại nhà. Bên cạnh sự linh hoạt trong việc lựa chọn nơi làm việc, các doanh nghiệp hiện nay ưu tiên áp dụng mô hình làm việc kết hợp Hybrid nhờ những lợi ích nổi bật sau: 

    • Tăng năng suất làm việc: Xây dựng văn hoá làm việc thân thiện, tránh tình trạng quá tải văn phòng nhưng vẫn đảm bảo năng suất, hiệu quả công việc.   
    • Giảm chi phí: Khi số lượng nhân viên tại văn phòng giảm xuống, doanh nghiệp có thể tiết kiệm, tối ưu chi phí vận hành trong quá trình làm việc để đầu tư phát triển những sản phẩm, dịch vụ hoặc đào tạo nhân viên chuyên nghiệp hơn. Theo McKinsey & Company, Hybrid có thể giúp doanh nghiệp giảm tới 30% chi phí vận hành. 
    • Thu hút và giữ chân nhân viên: Theo khảo sát của McKinsey, sau khi đại dịch diễn ra, 52% nhân viên cho biết họ thích hình thức làm việc hybrid hơn so với trước kia. Do đó, doanh nghiệp sẽ chiếm ưu thế hơn trong việc thu hút và giữ chân nhân viên khi lựa chọn mô hình làm việc này
    • Kết nối toàn cầu: Áp dụng mô hình làm việc kết hợp Hybrid có thể kết nối các nhân viên tại công ty với các nhân sự khác đang làm việc từ xa, giúp doanh nghiệp dễ dàng tìm được nhân lực tài năng và phù hợp không giới hạn quốc gia, mở rộng thị trường và hội nhập quốc tế.   
Quản trị nhân sự
Hybrid working không chỉ thể hiện tính hiệu quả và cần thiết trong việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và nhân viên hiện nay, mà còn là xu thế toàn cầu.

Mô hình Hybrid phá vỡ rào cản về địa lý và “giải thoát” nhân viên khỏi chốn văn phòng vây quanh bởi 4 bức tường. Có 3 loại mô hình Hybrid

Mô hình linh hoạt

Mô hình này cho phép nhân viên tự do lựa chọn thời gian và địa điểm làm việc dựa theo nhu cầu hoàn thành công việc, cân bằng giữa văn phòng và làm việc từ xa. 

Đây là mô hình tối ưu nhất tính linh hoạt, xây dựng sự tin tưởng giữa doanh nghiệp và nhân viên từ đó gia tăng tính trung thành, độ hài lòng của nhân viên đối với doanh nghiệp, nâng cao tinh thần, năng suất làm việc.

Mô hình cố định

Các tổ chức, doanh nghiệp có quy định trước về lịch trình làm việc tại nhà hoặc tại văn phòng mà nhân viên phải tuân thủ để quá trình thực hiện công việc diễn ra trơn tru và hiệu quả. Mô hình này giúp doanh nghiệp chủ động quản lý thời gian làm việc và theo dõi tiến độ, hiệu quả công việc của nhân viên.

Mô hình văn phòng ưu tiên

Nhân viên được khuyến khích đi làm tại văn phòng nhưng có thể tùy biến vài ngày làm việc từ xa nếu có nhu cầu. Mô hình ưu tiên thời gian làm việc tại văn phòng này giúp duy trì văn hóa làm việc truyền thống nhưng vẫn đảm bảo tính linh hoạt của mô hình kết hợp.

Chú trọng phúc lợi nhân viên – xây dựng môi trường làm việc lành mạnh

Trong bối cảnh kinh tế hội nhập và phát triển, công nghệ là một yếu tố không thể thiếu giúp kết nối thuận tiện và xử lý công việc công việc nhanh chóng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần quan tâm xây dựng, cải thiện môi trường làm việc cũng như đưa ra những chính sách phúc lợi nhân viên phù hợp. 

Một môi trường làm việc hiện đại mà tại đó nhân viên không chỉ đến hoàn thành công việc rồi về nhà, mà còn giúp gia tăng kết nối giữa các cá nhân, nhìn thấy giá trị đóng góp của mình cho công ty và xã hội. Từ đó, tạo ra những giá trị chung và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Văn hoá doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra trải nghiệm tích cực cho các nhân viên, một số người còn cho rằng văn hoá tại nơi làm việc quan trọng hơn việc xem xét mức lương.

Khảo sát của The Future Workplace 2021 HR Sentiment cho thấy 68% các nhà quản trị HR có thâm niên lâu năm đồng ý rằng phúc lợi và sức khỏe tinh thần của nhân viên là ưu tiên hàng đầu để phát triển chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng môi trường làm việc thân thiện, lành mạnh. 

Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, Phúc lợi của nhân viên đã không còn mang tính cá nhân nhiều như trước mà thay vào đó là phúc lợi linh hoạt ra đời. Phúc lợi linh hoạt là những phúc lợi đa dạng cho phép nhân viên lựa chọn linh hoạt và được cung cấp thông qua các ứng dụng công nghệ hay nền tảng số. Chính sách phúc lợi linh hoạt giúp giải quyết được vấn đề cá nhân hóa phúc lợi cho từng nhân viên đồng thời tối ưu hóa chi phí đầu tư phúc lợi từ doanh nghiệp. 

Việc khiến nhân viên cảm thấy được quan tâm cũng ảnh hưởng tích cực đến quyết định tiếp tục gắn bó hoặc gia nhập công ty. Theo báo cáo của Paychex and Future Workplace, 62% trong tổng số 603 người được khảo sát cho rằng sự ưu ái trong phúc lợi là yếu tố quyết định khi lựa chọn công việc, con số này lên đến 67% đối với thế hệ GenZ đầy triển vọng.

Có 6 nhân tố quan trọng tạo nên một môi trường làm việc tối ưu và hợp lý mà các nhà quản lý cần quan tâm:

  • Sức khỏe thể chất
  • Sức khỏe tinh thần
  • Cân đối tài chính
  • Sức khỏe và dịch vụ chăm sóc cộng đồng
  • Không gian làm việc an toàn
  • Văn hóa làm việc lành mạnh
quản trị nhân sự
Môi trường làm việc và phúc lợi trong công ty ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và hiệu quả công việc

Đặt tiêu chí đánh giá kỹ năng khi tuyển dụng

Để đảm bảo chất lượng của nguồn nhân lực, thì không thể không kể đến vai trò quan trọng của công tác tuyển dụng. Đây là bước khởi đầu, tạo tiền đề chọn lọc những cá nhân tài năng, phù hợp với nhu cầu của từng doanh nghiệp, thế nên cần đặt ra những quy chuẩn thông minh, hợp lý và hơn hết là bắt kịp với xu hướng quản trị nhân sự của thời đại. 

Có 5 kỹ năng được xem là quan trọng và cần thiết nhất phải xem xét khi tuyển dụng:

  • Kỹ năng tư duy phản biện (Critical thinking)
  • Kỹ năng giao tiếp tốt (Communication Skill)
  • Kỹ năng ra quyết định (Decision Making Skill)
  • Kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông
  • Trí thông minh cảm xúc (EQ)

Những kỹ năng này có tác động như thế nào đối với quá trình hoạt động của doanh nghiệp?

Hiện nay các Robots tự động và các trí thông minh nhân tạo (AI) tham gia hỗ trợ ngày càng nhiều dần dần thay thế con người trong các tác vụ văn phòng, tuy nhiên chúng lại không có những khả năng tư duy về mặt cảm xúc hoặc thấu hiểu nhu cầu tâm lý khách hàng như con người, vì vậy đội ngũ nhân sự con người thuần túy với những kỹ năng trên là luôn luôn cần thiết.

Ngoài ra, việc thiết lập và sàng lọc tuyển dụng cũng hỗ trợ việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng và mới mẻ cho thế hệ sau này, đặc biệt là ở cấp độ lãnh đạo cần những cá nhân có phẩm chất ưu tú cả về mặt công việc lẫn nhân cách con người.

Những nhân viên vượt qua được những tiêu chí tuyển dụng sẽ dễ dàng hợp tác, trao đổi và làm việc cùng với những đồng nghiệp có năng lực đạt chuẩn tương đương, tạo nên môi trường làm việc đồng đều và lành mạnh.

Gig Economy

Gig economy là nền kinh tế mà trong đó mọi người thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, còn các doanh nghiệp có xu hướng thuê những người làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian. Trong nền kinh tế Gig, xu hướng quản trị nhân sự của các doanh nghiệp trở nên linh hoạt hơn bao giờ hết. Việc sử dụng nhân lực bằng cách tận dụng khối lượng nhân lực tự do (freelancers) hay bán thời gian (part-time) và thời vụ đem lại nguồn lao động khổng lồ và đầy tiềm năng để khai thác. 

Một nghiên cứu năm 2019 được thực hiện bởi Mastercard ước tính thị trường Gig Economy đã tạo ra doanh thu 204 tỷ đô và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 17% vào năm 2023. Riêng thị trường Mỹ đã có hơn 59 triệu thành viên tham gia vào Gig Economy. Điều này cho thấy sức hút và tiềm lực dồi dào của nền kinh tế này đối với sự biến đổi của xu hướng quản trị nhân sự.

Nền kinh tế Gig mở rộng phạm vi tìm kiếm, nới rộng sự lựa chọn cho các nhà tuyển dụng có thể tùy biến theo mọi nhu cầu, tuy nhiên mặt hạn chế của Gig nằm ở việc làm lệch đi quy chuẩn văn hoá văn phòng cũng như phá vỡ mối quan hệ giữa doanh nghiệp, nhà cung cấp và sự tin tưởng của khách hàng. Đối với các công ty đa ngành cần thay đổi đội ngũ nhân sự liên tục để phù hợp với các dự án khác nhau thì đây là giải pháp tối ưu để giảm bớt gánh nặng chi phí dành cho lao động dài hạn, toàn thời gian.

quản trị nhân sự
Hợp tác lao động tự do đang là một trong những xu hướng quản trị nhân sự nổi bật trên thế giới

Tầm quan trọng của công nghệ trong quản trị nhân sự

Từ trước đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì sử dụng hệ thống quản trị nhân sự truyền thống tồn đọng nhiều vấn đề:

  • Dữ liệu cá nhân được lưu trữ dưới dạng giấy tờ, hồ sơ vật lý với số lượng lớn gây khó khăn trong việc kiểm soát, tiêu tốn nhiều thời gian cho quá trình truy xuất.
  • Việc theo dõi các chỉ số KPI nhân sự hỗ trợ công tác tính lương thưởng, điều chỉnh chế độ làm việc và cải thiện độ hài lòng của nhân viên không trực quan, tốn nhiều chi phí để thực hiện.
  • Thiếu hụt thông tin làm căn cứ đánh giá chất lượng công việc và kỹ năng cần thiết của nhân viên, điều này gây trở ngại trong việc bổ nhiệm đội ngũ nhân sự tương lai.

Một bài toán về quản trị nhân sự đang được các doanh nghiệp đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Đó là làm thế nào để tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo hiệu quả trong công tác quản trị nhân sự?  

Tương tự như việc áp dụng ERP để giải quyết bài toán tối ưu hoá trong lĩnh vực sản xuất. Việc ứng dụng các công nghệ vào trong quản trị nhân sự mang đến những lợi ích nổi bật:

  • Số hoá dữ liệu: Khối lượng thông tin nhân sự khổng lồ được số hóa, truy cập nhanh chóng và chính xác bằng việc áp dụng các phần mềm như ERP, HRIS, HRMS để quản lý và hoạch định nguồn lực doanh nghiệp.
  • Tự động hóa: Quy trình tuyển dụng vận hành tự động nhờ áp dụng AI sàng lọc CV, gửi mail mời phỏng vấn, thông báo kết quả,…
  • Chấm công thông minh: Quản lý chấm công bằng các ứng dụng thông minh kết hợp phần mềm đa thiết bị theo thời gian thực chính xác và minh bạch.
  • Hỗ trợ đánh giá, phân tích: Theo dõi các chỉ số KPI được thống kê dưới dạng biểu đồ một cách trực quan kết hợp các thuật toán và công nghệ AI phân tích số liệu hỗ trợ các nhà quản trị trong việc ra quyết định.

Xem thêm: ERP giải quyết bài toán tối ưu hóa năng lực sản xuất và lập kế hoạch như thế nào? 

Có thể nói, hưởng ứng làn sóng công nghệ 4.0 là mục tiêu chiến lược mà mọi nhà quản trị nhân sự hướng đến để tối ưu hóa hệ thống nhân lực, tiết kiệm chi phí, gia tăng năng suất và đẩy nhanh tiến độ phát triển của doanh nghiệp. 

FaceX – giải pháp quản lý chấm công thông minh hỗ trợ quản trị hệ thống nhân sự hiệu quả

FaceX là phần mềm quản lý chấm công nhận diện khuôn mặt thông minh của VTI Solutions, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp trong công tác quản trị nguồn nhân lực. 

Bằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt AI với độ chính xác lên đến 99,7% trong chưa đầy 1 giây và khả năng lưu trữ đến 20,000 khuôn mặt, FaceX hứa hẹn sẽ ghi điểm trong mắt các doanh nghiệp đang đối mặt với “bài toán” quản lý nhân sự và giúp các HR có thể dễ dàng đạt được các chỉ số KPI về nhân sự nhờ vào các tính năng vượt trội và mang tính đột phá.

  • Dễ dàng theo dõi thời gian chấm công, thông tin ra, vào theo thời gian thực
  • Quản lý chấm công linh hoạt nhân sự làm việc theo dự án, ca kíp…
  • Báo cáo tổng quan về số giờ làm việc, ngày nghỉ phép, thời gian tăng ca theo ngày, tháng, năm…
  • Quản lý hiệu suất làm việc của nhân viên ngay cả khi làm việc từ xa
  • Tự động tích hợp với hệ thống tính lương

Người quản lý sẽ được giảm bớt gánh nặng quản trị nhân sự làm việc tại văn phòng hay làm việc từ xa (Work From Home) với sự tự động hóa các dữ liệu trên cùng một hệ thống quản lý FaceX. Với Việc nhà quản lý dễ dàng quản trị dữ liệu chấm công được tự động hóa, nhân sự chủ động theo dõi thời gian làm việc trên cùng một nền tảng FaceX góp phần xây dựng một môi trường làm việc minh bạch và thông minh cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.

Tham khảo: ifac, forbes

5/5 - (1 bình chọn)