05 yếu tố then chốt để bắt kịp xu thế HR 4.0 - VTI Solutions

05 yếu tố then chốt để bắt kịp xu thế HR 4.0

xu thế hr 4.0

Sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ tiên tiến như Trí tuệ nhân tạo AI; Robot văn phòng; Internet vạn vật và Dữ liệu lớn đang giúp tự động hoá hầu hết các quy trình nhân sự một cách tinh gọn và hiệu quả. Hơn hết, các ứng dụng công nghệ hiện đại đang biến HR truyền thống thành HR 4.0. 

HR 4.0 là gì?

Nhân sự 4.0 (HR 4.0) là kỷ nguyên ứng dụng công nghệ vào công tác quản trị nhân sự trong đó tập hợp ứng dụng các hệ thống Cyber-Physical System, tự động hoá, trao đổi dữ liệu, Vạn vật kết nối (Internet of Things) và thuật toán đám mây vào quy trình làm việc. 

Nhân sự bắt đầu hình thành ở Châu Âu vào thế kỷ 19 và nổi lên như một lĩnh vực cụ thể vào đầu thế kỷ 20. Cùng với sự phát triển của các cuộc Cách mạng công nghiệp, HR đã trải qua 4 giai đoạn chuyển đổi.  

  • HR 1.0: Xử lý phần lớn công việc theo kiểu truyền thống, thủ công, giấy tờ & công việc quản lý HR chủ yếu liên quan đến các kỹ năng cứng như tính toán, phúc lợi, an toàn lao động,…
  • HR 2.0: Điện năng xuất hiện, và các thiết bị điện như máy in, máy fax,… ra đời hỗ trợ xử lý các công việc HR gọn gàng hơn cũng như bắt đầu quan tâm đến phát triển kỹ năng cứng trong tuyển dụng và  đào tạo nhân sự.
  • HR 3.0: Internet xuất hiện và áp dụng trong hoạt động HR, tuy nhiên không được khai thác nhiều, công tác tuyển dụng vẫn theo hướng truyền thống và bắt đầu chuyển hướng sang phát triển kỹ năng mềm của nhân sự.
  • HR 4.0: Internet phát triển mạnh mẽ, lượng dữ liệu (data) trở thành chất xúc tác cho công nghệ. Tư duy tuyển dụng và tư duy lãnh đạo thay đổi, chú trọng nhiều hơn về quản lý thương hiệu tuyển dụng và phát triển nhân tài. Ứng dụng công nghệ vào quy trình quản lý nhân sự hiện đại khiến quy trình tuyển dụng trở nên gọn gàng và hiệu quả hơn, hình thành các nền tảng e-hiring. Và bắt nguồn từ định nghĩa của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khái niệm HR 4.0 ra đời.
HR 4.0
Lịch sử phát triển của HR qua từng giai đoạn

Với sự phát triển dựa trên nền tảng công nghệ, HR 4.0 giúp các nhân viên thoát khỏi những công việc thủ công, giấy tờ bằng cách tự động hoá các tác vụ lặp đi lặp lại, số hoá dữ liệu. Thay vào đó, nhân viên có thể tập trung thực hiện các công việc đem lại giá trị cao hơn cho doanh nghiệp, tăng năng suất và hiệu quả công việc một cách đáng kể. 

Theo khảo sát, có hơn 30% nhân viên văn phòng trên toàn cầu cho biết họ lãng phí hơn nửa ngày làm việc chỉ để xử lý những công việc mà AI chắc chắn làm nhanh hơn, và tốt hơn.

Có thể nói, HR 4.0 là xu hướng mọi doanh nghiệp hướng tới và đang phát triển với tốc độ vũ bão, tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực Nhân sự. Sự phổ biến nhanh chóng của xu hướng quản trị nhân sự này dẫn đến nhu cầu tìm kiếm các giải pháp công nghệ phù hợp với mô hình, đặc điểm của doanh nghiệp, giúp tối ưu hoá quy trình làm việc và tiết kiệm chi phí. 

5 tiêu chí nhà quản trị nhân sự cần quan tâm để bắt kịp xu hướng HR 4.0

HR 4.0 đòi hỏi sự nhanh nhẹn, đa dạng và những mô hình lãnh đạo mới bắt kịp “con đường số hoá” để tăng tốc doanh nghiệp và không bị làn sóng công nghiệp 4.0 nuốt chửng. Dưới đây là các tiêu chí có thể giúp nhà quản trị hoà mình vào xu hướng quản trị nhân sự đang phổ biến trên toàn thế giới. 

Phát triển năng lực lãnh đạo mới

Lãnh đạo và quản lý hệ thống nhân sự trong doanh nghiệp là một vị trí quan trọng chịu trách nhiệm thúc đẩy việc triển khai chiến lược bằng cách xây dựng định hướng chung, thu hút sự ủng hộ và phát triển năng lực nhân viên. Trong thời đại HR 4.0, công việc của người làm nhân sự không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm tài năng. 

Một khảo sát từ các chuyên gia nhân sự toàn cầu của State of HR cho biết, có 3 yếu tố liên quan đến năng lực lãnh đạo mà nhà quản trị nhân sự hiện đại cần quan tâm để trở thành một HR giỏi.

  • Tư duy đổi mới: Sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo ở hầu hết lĩnh vực trong doanh nghiệp buộc nhà quản trị cần phải trang bị cho mình tư duy số như là: Tư duy công nghệ (Technology Mindset) – tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ và đưa vào ứng dụng; Tư duy ra quyết định dựa trên dữ liệu (Data Literacy Mindset) – khả năng đọc, phân tích , đánh giá dữ liệu và ra quyết định dựa trên công nghệ. 
  • Kiến thức về công nghệ: Thế hệ Z chính là lực lượng lao động chính trong tương lai – thế hệ am hiểu và gắn liền với nhiều công nghệ như AI, IoT, RPA, Blockchain, mạng 5G,.. trong nhiều lĩnh vực từ sản xuất, bán lẻ, phân phối hàng hoá cho  chăm sóc sức khỏe, y tế. Thế nên, việc tìm hiểu và cập nhật liên tục thông tin, kiến thức về công nghệ giúp nhà quản trị triển khai các chiến lược phát triển nhân sự nhanh chóng và hiệu quả. 
  • Kỹ năng tổ chức đa thế hệ: Những khác biệt trong khoảng cách giữa nhiều thế hệ nhân sự trong một doanh nghiệp là yếu tố mà một HR giỏi cần phải quan tâm. Nhân viên tài năng sẽ có thể ở bất kỳ độ tuổi và bất kỳ thế hệ nào, do đó người quản lý phải có kỹ năng tạo môi trường làm việc đủ linh hoạt để phù hợp với các phong cách và thái độ làm việc khác nhau giữa các nhóm tuổi.
Các nhà quản trị cần phải thay đổi tư duy lãnh đạo trong thời đại 4.0

Ứng dụng công nghệ trong việc quản lý nhân sự

Khi nhà quản trị áp dụng công nghệ số vào quản lý hệ thống nhân sự, quản lý công việc tại doanh nghiệp thì mọi quy trình đều sẽ được tự động hoá. Một trong những phần mềm quản trị nguồn nhân lực tại doanh nghiệp là HRM (Human Resource Management). 

Việc số hoá quy trình quản trị nhân sự có thể quản lý toàn diện hệ thống nhân sự trong doanh nghiệp một cách nhanh chóng, thuận tiện và chính xác. Nhứng chức năng mà phần mềm HRM mang lại giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong quá trình quản trị. 

  • Quản lý hệ thống nhân sự trong doanh nghiệp: Lưu trữ, cập nhật và đồng bộ thông tin sơ yếu lý lịch, hợp đồng, bảo hiểm, thông tin của nhân viên. 
  • Tạo ra quy trình tuyển dụng thông minh: Quá trình tuyển dụng được thực hiện tự động từ việc tạo đơn đề xuất tuyển dụng trên hệ thống cho đến sàng lọc thông tin ứng viên bằng công nghệ.
  • Đánh giá và xếp loại chất lượng nhân viên: Thông qua phần mềm HRM, nhà quản trị hoàn toàn có thể đánh giá, thiết lập các chỉ số KPIs theo công việc, xem quá trình đào tạo, kết quả KPI để đưa ra những quyết định tăng lương, trừ lương hay thưởng đối với nhân viên.
  • Quản lý chấm công, tính lương chính xác: Thay thế quy trình chấm công truyền thống còn thủ công bằng hình thức chấm công thông minh kết hợp tính lương nhân viên, nhà quản trị có thể sử dụng phần mềm HRM để giải quyết vấn đề đó. Hay FaceX – phần mềm quản lý chấm công thông minh cũng là một trong những giải pháp công nghệ chấm công bằng khuôn mặt mà có thể tích hợp với phần mềm tính lương và các phần mềm quản lý của bên thứ 3 như HRM, ERP… 
  • Báo cáo tình hình nhân sự cho doanh nghiệp: Căn cứ vào những yếu tố và dữ liệu mà phần mềm HRM đánh giá, thu thập được giúp ban lãnh đạo đánh giá năng lực của mỗi nhân viên và giám sát được tình hình nhân sự của doanh nghiệp.
HR 4.0
FaceX chấm công bằng khuôn mặt và truy xuất dữ liệu đa thiết bị

Nâng cao trải nghiệm nhân viên

“Khách hàng không đến trước. Nhân viên đến trước. Nếu bạn chăm sóc nhân viên của mình, họ sẽ chăm sóc khách hàng của bạn”. – Tỷ phú Richard Branson

Trong hiện tại và tương lai, nguồn lao động chính tại các doanh nghiệp sẽ thuộc thế hệ Y và Z. Đây là hai thế hệ hướng đến nhu cầu cá nhân, được thỏa mãn niềm đam mê, sự công nhận và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. 

Trong một khảo sát của Kincentric vào năm 2019, 79% doanh nghiệp đồng ý rằng trải nghiệm nhân viên có tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh. Những yếu tố nhà quản trị nhân sự cần phải quan tâm xây dựng nếu muốn nâng cao trải nghiệm nhân viên.   

  • Trải nghiệm nhân viên lấy con người làm trung tâm
  • Chính sách phúc lợi
  • Trải nghiệm của nhân viên trong công cuộc số hoá doanh nghiệp
  • Sử dụng công nghệ để thu hút nhân viên

Thiết lập các thước đo để đánh giá 

Một nghiên cứu về Quản trị hiệu suất cho thấy, Đánh giá đóng vai trò quan trọng trong việc Nâng cao hiệu suất. Để đánh giá công việc của nhân viên có hiệu quả hay không, nhà quản lý cần phải dựa trên kết quả thực hiện công việc của mỗi phòng ban, cá nhân trong doanh nghiệp thông qua hệ thống đo lường hiệu suất KPIs, OKRs (phương pháp quản trị bằng Mục tiêu và các Kết quả chính), hoặc kết hợp cả hai.

Việc xây dựng các KPIs trở nên quan trọng để bắt kịp xu hướng HR 4.0

Mỗi KPI cần phải gắn với một mục tiêu rõ ràng, cụ thể và phản ánh một kết quả đặc trưng. Thông qua việc sử dụng công nghệ và dữ liệu để phát triển các chỉ số nhân lực mới và thúc đẩy việc ra quyết định kinh doanh. Ví dụ doanh nghiệp đặt mục tiêu trở thành “Công ty có môi trường làm việc tốt” cần xem xét “Tỷ lệ nghỉ việc” (Turnover rate) là một chỉ số KPI cần quan tâm. 

Khi xây dựng và đo lường hiệu suất thực hiện của các chỉ số KPIs/ OKRs hiệu quả, chúng sẽ là công cụ đắc lực giúp các HR 4.0 quản lý, thúc đẩy nhân viên tập trung vào mục tiêu đã được đề ra, tập trung nguồn lực vào những việc họ cần ưu tiên thực hiện để đạt được mục tiêu chung của bộ phận/doanh nghiệp. 

Xem thêm: 7 KPI nhân sự quan trọng đóng góp vào thành công của doanh nghiệp

Xây dựng đội ngũ nhân sự đa dạng 

HR 4.0 không chỉ là kỷ nguyên về ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực nhân sự. Mà trong đó, các doanh nghiệp không còn chỉ thuê nhân viên phù hợp với văn hoá doanh nghiệp mà bắt đầu tìm kiếm nhân sự mới đa dạng hoá văn hoá trong doanh nghiệp. 

Nhân sự đa dạng (culture add) là hình thức tuyển dụng nhân viên mang những yếu tố khác biệt (kỹ năng khác biệt, tính cách, nền tảng văn hoá, học vấn, …) để mở rộng văn hoá doanh nghiệp. Trong xu hướng quản trị HR 4.0, nhân sự đa dạng đã trở thành một ưu tiên tuyển dụng của các doanh nghiệp. 

Bởi sự đa dạng trong tính cách, độ tuổi, cá tính, kinh nghiệm sống, v.v. được coi là đòn bẩy giúp các doanh nghiệp tận dụng lợi thế riêng biệt của từng cá nhân để gia tăng sức mạnh đa chiều của đoàn thể. Nhiều doanh nghiệp thậm chí cổ vũ sự phản biện, tranh luận hay cạnh tranh trong nội bộ, nhằm không ngừng kích thích tinh thần cầu tiến và sức sáng tạo của nhân viên, từ đó cho ra đời những kế hoạch, giải pháp tối ưu nhất.

Ngoài ra, sự kết hợp giữa nhân lực và sự hỗ trợ đắc lực của Robot, Internet, nền tảng công nghệ,… trong khâu tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực tạo xu hướng mới cho nền kinh tế mở. Thúc đẩy chiến lược xây dựng đội ngũ nhân sự đa dạng mang lại nhiều lợi ích tài chính cho doanh nghiệp, tiếp cận với nguồn nhân tài rộng lớn hơn và cơ hội cho doanh nghiệp tuyển dụng được nhân viên phù hợp. 

HR 4.0
Thúc đẩy chiến lược xây dựng đội ngũ nhân sự đa dạng mang lại nhiều lợi ích tài chính cho doanh nghiệp

Các doanh nghiệp thành công trong xu hướng quản trị nhân sự HR 4.0

Unilever

Là một trong những công ty sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới với mục tiêu hàng đầu là đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng hết mức có thể, Unilever không ngừng nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng bộ máy nhân sự hiện tại và thu hút thêm nhân tài bằng cách nắm bắt xu hướng HR 4.0 trong quản trị nhân sự. Các chiến lược mà Unilever đã sử dụng:

  • Nâng cao trải nghiệm nhân viên với sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ

Các nghiên cứu của Unilever chỉ ra rằng nhân viên của họ đã tiêu tốn một khoảng thời gian không thực sự hợp lý để thực hiện các dịch vụ nội bộ một cách thủ công, vì vậy Unilever đã lựa chọn giải pháp số hoá nhân sự để tối ưu công tác quản trị và tiếp cận nhân viên. Sử dụng một cổng thông tin chung, các nhân viên giờ đây đã dễ dàng hơn trong việc truy cập và khai thác dữ liệu, kết quả là hệ thống nhân sự của Unilever nhận được hơn 1 triệu lượt tương tác và tìm kiếm nội bộ, tiết kiệm được khoảng 300 tiếng thời gian thừa mỗi năm nhờ việc rút gọn quy trình nhân sự bằng các ứng dụng công nghệ. 

  • Xây dựng đội ngũ nhân tài làm nòng cốt cho lực lượng lao động đa dạng và hoà hợp (D&I) 

Để duy trì hoạt động bền vững, Unilever cần đảm bảo mối liên kết giữa nguồn lực nhân sự và tiềm lực tài chính, trong đó chiến lược khai thác nhân tài được đặt lên hàng đầu vì đây là lực lượng quan trọng ảnh hưởng đến các chiến lược kinh doanh trên phạm vi nội địa và toàn cầu.

  • Hợp tác với chính phủ để duy trì sinh kế của lực lượng lao động

Trong một vài trường hợp, khả năng cộng tác với doanh nghiệp của nhân viên bị ảnh hưởng do sự đổi mới trong công nghệ và quy trình làm việc. Ví dụ: Khi áp dụng công nghệ mới, lực lượng lao động có trình độ thấp gặp khó khăn trong việc tiếp cận, dẫn đến nguy cơ nghỉ việc cao. Để giải quyết tình trạng này, Unilever phối hợp với chính phủ triển khai các chương trình đào tạo lại kỹ năng, cung cấp các việc làm thay thế để bảo vệ sinh kế và duy trì ổn định đời sống nhân viên.

  • Mô hình làm việc của tương lai: tăng tốc độ chuyển đổi kinh doanh thông qua học tập suốt đời

Hiện nay, tất cả mọi doanh nghiệp đều đang hưởng ứng sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ngành Hàng tiêu dùng cũng như vậy (ngành công nghiệp sử dụng 20% lực lượng lao động của thế giới). Chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm lại trên tất cả các thị trường trong quá trình chuyển giao giữa mô hình truyền thống với các công nghệ mới và những thay đổi về chính trị. Do đó, Unilever chú trọng đào tạo hệ thống nhân lực giàu trách nhiệm, cam kết gắn bó với tổ chức, có nhu cầu phát triển năng lực bản thân thông qua chương trình học tập suốt đời.

Upwork

Upwork là nền tảng cung cấp việc làm kết nối các Freelancers và doanh nghiệp từ khắp mọi nơi trên thế giới, họ hướng đến việc xây dựng một nền văn hóa đúng với tầm nhìn của các nhà sáng lập – làm việc không giới hạn và trao quyền cho những người có tiềm năng. Dựa trên cơ sở này kết hợp nền tảng HR 4.0, Upwork đưa ra các yếu tố chủ chốt giúp tối ưu hoá mô hình quản trị nhân sự, gia tăng năng suất làm việc và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp:

  • Mở rộng chiến lược việc làm để có được nguồn nhân tài toàn diện

Là một nền tảng điện tử cho nhiều mô hình làm việc linh hoạt, Upwork cần xây dựng một cộng đồng để gia tăng độ tin tưởng, tính tương tác giữa người lao động và doanh nghiệp, từ đó các nhà quản trị có thể dễ dàng lựa chọn nhân viên có tiềm năng và phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp mình.

  • Cung cấp các chính sách hỗ trợ xây dựng D&I

Upwork tin rằng sự tin tưởng giữa người lao động và doanh nghiệp nâng cao ý chí cống hiến của nhân viên, vì thế họ đã xây dựng các chính sách hỗ trợ nhân viên trong đời sống cá nhân và gia đình: 12 tuần nghỉ phép dành cho người có gia đình, dịch vụ hỗ trợ những người có vấn đề về sinh sản, dịch vụ chăm sóc sức khỏe,…

  • Xây dựng nền văn hoá làm việc hết mình

Một nền văn hoá mà mọi cá nhân đều hoạt động 100% công suất và nỗ lực hết mình cho công việc là chiến lược mà Upwork đang hướng đến. Upwork hỗ trợ từng nhân viên trong công tác hòa nhập, cải thiện giao tiếp và khả năng cộng tác, việc này vừa gia tăng tính kết nối giữa các cá nhân trong lực lượng lao động, vừa thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

0/5 - (0 bình chọn)