Lập lịch trình sản xuất hiệu quả với 6 bước đơn giản

Đằng sau mỗi thành phẩm được bán ra thị trường là cả quá trình sản xuất phức tạp từ tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu, lập kế hoạch và thực thi sản xuất. Trong quá trình này, nếu không lập lịch trình sản xuất, doanh nghiệp có thể lãng phí thời gian và tiền bạc trong khi hiệu quả sản xuất vẫn chưa được tối ưu. Vậy lập lịch trình sản xuất là gì? Làm cách nào để lập lịch trình sản xuất thành công?

1. Giới thiệu về lập lịch trình sản xuất 

1.1 Thế nào là lập lịch trình sản xuất?

Lập lịch trình sản xuất là quá trình lên kế hoạch chi tiết nhằm phân bổ và sử dụng các nguồn lực có sẵn như máy móc, nhân lực và nguyên liệu một cách hợp lý. 

Đây là công đoạn cuối cùng của quá trình lập kế hoạch, cụ thể hóa từng nội dung của kế hoạch tổng thể nhằm đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ và đạt được mục tiêu đề ra. Yêu cầu của quá trình này là phải xác định rõ ràng thời điểm, địa điểm, cách sản xuất và nguyên vật liệu đầu vào của sản phẩm.

1.2 Tầm quan trọng của lập lịch trình sản xuất?

Nếu doanh nghiệp bạn để tình trạng hết hàng thường xuyên, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất khách vào tay đối thủ. Tuy nhiên hàng tồn kho quá nhiều cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến chất lượng và các chi phí ẩn. Lúc này việc lập lịch trình sản xuất sẽ giải quyết được bài toán trên.

Lập lịch trình sản xuất hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp:

  • Hạn chế tình trạng hết hàng 
  • Dự đoán chính xác nhu cầu
  • Dự trữ nguồn lực phù hợp
  • Quản lý lao động dễ dàng
  • Duy trì sự cân bằng giữa đầu vào và đầu ra
  • Duy trì kho hàng ổn định ngay cả khi có sự chậm trễ
  • Loại bỏ sự gián đoạn trong quy trình làm việc

1.3 Mục tiêu khi lập lịch trình sản xuất

Mục tiêu chung của công tác lập lịch trình sản xuất là đảm bảo các công việc được thực hiện với hiệu quả cao nhất, cụ thể là:

– Đáp ứng đúng tiến độ sản xuất 

– Giảm thiểu thời gian thực hiện đơn hàng

– Giảm thiểu hoá khối lượng sản xuất dư thừa

– Nâng cao hệ số sử dụng các nguồn lực

2. Phương pháp lập lịch trình sản xuất

Để xây dựng một lịch trình tối ưu, doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau tùy thuộc vào quy mô và đặc thù hoạt động. Dưới đây là những phương pháp phổ biến phù hợp với từng đối tượng:

2.1 Phương pháp truyền thống

Phương pháp thủ công để lập lịch trình sản xuất bao gồm sử dụng bảng biểu, biểu đồ Gantt hoặc giấy tờ để phân bổ công việc dựa trên kinh nghiệm của quản lý. 

Cách lập lịch trình sản xuất này phù hợp với doanh nghiệp nhỏ có quy trình đơn giản và số lượng đơn hàng hạn chế. Tuy nhiên, nhược điểm là dễ xảy ra sai sót, khó điều chỉnh khi có thay đổi đột xuất, và không tối ưu hóa chi phí khi sản xuất quy mô lớn.

2.2 Phương pháp hiện đại

Ngày nay các phương pháp truyền thống dần bị thay thế bởi công nghệ tiên tiến. Phần mềm hỗ trợ lập lịch trình sản xuất như MES (Manufacturing Execution System) đang cho thấy nhiều lợi ích như tích hợp dữ liệu thời gian thực, tự động điều chỉnh lịch trình khi có biến động và tối ưu hóa nguồn lực với độ chính xác cao.

Hệ thống quản lý thực thi sản xuất MEScore từ VTI Solutions là một trong số các phương pháp hiện đại hiệu quả cho công tác lập lịch trình sản xuất. MEScore nổi bật với các tính năng: 

  • Đồng bộ các tác vụ tạo lệnh sản xuất, quản lý nguyên vật liệu, cập nhật tồn kho, từ đó cung cấp góc nhìn tổng quan để lập lịch trình phù hợp.
  • Cập nhật tiến độ sản xuất theo thời gian thực, đảm bảo đúng tiến độ so với lịch trình sản xuất.
  • Tích hợp mượt mà với các hệ thống như ERP, PLM, IoT, AI và các hệ thống khác trong MES-X.
  • Thiết kế luồng sản xuất liên tục, giảm thời gian chờ.
  • Cung cấp báo cáo trực quan thông qua các biểu đồ chi tiết về năng suất, tiến độ, khối lượng sản xuất.

Tìm hiểu thêm về MEScore tại đây

2.3 So sánh ưu, nhược điểm của phương pháp truyền thống và hiện đại

Doanh nghiệp có thể căn cứ vào tình hình cụ thể của mình để lựa chọn các phương pháp phù hợp, hoặc có thể tham khảo từ bảng so sánh dưới đây

Lập lịch trình sản xuất truyền thống và hiện đại
Lập lịch trình sản xuất truyền thống và hiện đại

3. Quy trình lập lịch trình sản xuất

Cho dù doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nào, lịch trình sản xuất đều nên bao gồm 6 bước: lập kế hoạch, định tuyến, lên lịch, điều phối, thực hiện và duy trì. Sáu bước này được trình bày chi tiết hơn dưới đây.

3.1 Lập mục tiêu 

Ở giai đoạn này, người quản lý cần xác định mục tiêu sản xuất dựa trên nhu cầu thị trường và năng lực doanh nghiệp. Hãy phân tích dữ liệu lịch sử như doanh số bán hàng, đơn hàng trước đó và dự báo xu hướng để ước tính số lượng sản phẩm cần sản xuất. Ví dụ, nếu dữ liệu cho thấy nhu cầu tăng 15% vào dịp cuối năm thì cần dựa vào đó để tăng thêm nguồn lực và khối lượng sản phẩm phù hợp. 

Giai đoạn này cũng là lúc đánh giá các nguồn lực hiện có (nhân lực, tài lực…) để đảm bảo tính khả thi. Một mục tiêu khả thi nhưng đầy thách thức để phát triển sẽ là nền móng vững chắc cho các bước tiếp theo, giúp doanh nghiệp tránh lãng phí và đáp ứng đúng kỳ vọng của khách hàng.

3.2 Thiết kế luồng công việc hợp lý

Sau khi có mục tiêu rõ ràng, nhiệm vụ tiếp theo chính là thiết kế luồng công việc (hay còn gọi là định tuyến). Đây là giai đoạn xác định các bước cụ thể để biến nguyên liệu thô thành sản phẩm hoàn thiện. Doanh nghiệp cần trả lời các câu hỏi như: 

  • Sản phẩm sẽ đi qua những công đoạn nào?
  • Bộ phận nào chịu trách nhiệm cho từng giai đoạn? 
  • Ví dụ: trong sản xuất đồ uống, luồng công việc có thể bao gồm xử lý nguyên liệu, đóng gói, kiểm tra chất lượng và vận chuyển. 

Việc thiết kế luồng công việc hợp lý không chỉ giúp tối ưu hóa thời gian mà còn giảm thiểu chi phí phát sinh do sai sót hoặc chậm trễ. Luồng công việc rõ ràng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập lịch chi tiết ở bước tiếp theo.

3.3 Sắp xếp lịch trình chi tiết

Đây là lúc mục tiêu tổng thể và luồng công việc được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ hàng ngày. Thời gian và thứ tự thực hiện từng công việc sẽ được sắp xếp dựa trên mức độ ưu tiên và năng lực sản xuất.  

Một vài nguyên tắc sắp xếp mức độ ưu tiên có thể kể đến là nguyên tắc FCFS, EDD, SPT, LPT, STR sẽ được trình bày chi tiết dưới đây.

Các nguyên tắc sắp xếp thứ tự ưu tiên khi lập lịch trình sản xuất
Các nguyên tắc sắp xếp thứ tự ưu tiên khi lập lịch trình sản xuất

3.3.1 Nguyên Tắc FCFS (First Come, First Served)

Nguyên tắc FCFS là phương pháp đơn giản nhất trong cách lập lịch trình sản xuất. Theo nguyên tắc này, bất kỳ công việc hoặc đơn hàng nào được nhận trước sẽ được ưu tiên xử lý trước, giống như một hàng đợi trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, nếu công ty nhận đơn hàng A vào thứ Hai và đơn hàng B vào thứ Tư, dù đơn hàng B có thời hạn gấp hơn, FCFS vẫn ưu tiên hoàn thành A trước. 

Nguyên tắc này sẽ đáp ứng vừa đủ nhu cầu cho doanh nghiệp nhỏ có khối lượng công việc không quá phức tạp, nhưng có thể dẫn đến chậm trễ với các đơn hàng quan trọng nếu chúng đến sau, làm ảnh hưởng đến uy tín và chi phí vận hành.

3.3.2 Nguyên Tắc EDD (Earliest Due Date)

Nguyên tắc EDD tập trung vào thời hạn giao hàng để ưu tiên công việc. Với phương pháp này, CEO sẽ sắp xếp sản xuất dựa trên ngày hết hạn của từng đơn hàng, đảm bảo những đơn hàng có thời hạn gần nhất được hoàn thành trước. Chẳng hạn, nếu đơn hàng A phải giao vào cuối tuần này và đơn hàng B có hạn vào tuần sau, EDD sẽ ưu tiên xử lý A ngay lập tức.

Đây là chiến lược hiệu quả khi doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều đơn hàng có thời hạn khác nhau, giúp duy trì uy tín với khách hàng và giảm rủi ro bị phạt do giao hàng chậm. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể khiến các đơn hàng lớn hoặc phức tạp bị trì hoãn, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng để cân bằng giữa tiến độ và chi phí sản xuất.

3.3.3 Nguyên Tắc SPT (Shortest Processing Time)

Nguyên tắc SPT tập trung vào việc ưu tiên các công việc có thời gian xử lý nhanh để tối ưu hóa luồng sản xuất. Ví dụ, nếu sản xuất đơn hàng A mất 2 giờ và đơn hàng B mất 5 giờ, SPT sẽ chọn A để hoàn thành trước, giải phóng nguồn lực sớm hơn. 

Phương pháp này thích hợp với doanh nghiệp muốn tăng hiệu suất và giảm thời gian chờ đợi trên dây chuyền, từ đó cải thiện ROI. Tuy nhiên, các công việc lớn có thể bị trì hoãn, đòi hỏi phải được kiểm soát chặt chẽ để tránh ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể.

3.3.4 Nguyên Tắc LPT (Longest Processing Time) 

Nguyên tắc LPT đi ngược với SPT bằng cách ưu tiên các công việc phức tạp hoặc tốn thời gian hơn. Chẳng hạn, nếu đơn hàng A mất 6 giờ và đơn hàng B mất 2 giờ, LPT sẽ chọn A để xử lý trước. 

Phương pháp này phù hợp khi doanh nghiệp muốn giảm áp lực cho các công việc lớn, tránh tình trạng dây chuyền bị tắc nghẽn vào cuối quá trình. LPT cũng giúp đảm bảo các đơn hàng quan trọng không bị gián đoạn do thiếu thời gian hoàn thiện. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể làm chậm tiến độ của các đơn hàng nhỏ, đòi hỏi sự giám sát cẩn thận để không ảnh hưởng đến chi phí và uy tín.

3.3.5 Nguyên Tắc STR (Shortest Remaining Time) 

Nguyên tắc STR là một biến thể linh hoạt của các phương pháp trên. Phương pháp này ưu tiên các công việc có thời gian rảnh (thời gian từ hiện tại đến hạn chót) ngắn nhất để hoàn thành. Ví dụ, nếu đơn hàng A còn 3 ngày để giao và đơn hàng B còn 5 ngày, STR sẽ chọn A để xử lý trước. 

STR phù hợp với môi trường sản xuất động, nơi lịch trình thường xuyên thay đổi do đơn hàng mới hoặc rủi ro bất ngờ. Tuy vậy, STR đòi hỏi hệ thống theo dõi thời gian thực, thường cần đến phần mềm như MES để áp dụng hiệu quả. 

3.4 Điều phối nguồn lực hiệu quả

Khi lịch trình đã được thiết lập, bước điều phối nguồn lực là chìa khóa để đảm bảo mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch. Lúc này người quản lý cần phân công công việc cụ thể cho từng bộ phận. Chẳng hạn, nếu bộ phận sản xuất cần thêm nguyên liệu, bộ phận mua sắm phải sẵn sàng cung ứng kịp thời.

3.5 Thực thi kế hoạch sản xuất

Bước thực thi là giai đoạn kế hoạch được đưa vào thực tiễn. Các công việc được triển khai trên dây chuyền sao cho đảm bảo tiến độ và chất lượng sản xuất. Trong quá trình này người quản lý cần giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm các vấn đề như hỏng hóc thiết bị hoặc chậm tiến độ.

3.6 Duy trì và cải tiến liên tục

Lập lịch trình sản xuất không dừng lại sau khi hoàn thành một chu kỳ sản xuất. Giai đoạn duy trì và cải tiến là bước cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Người quản lý cần đánh giá hiệu quả của lịch trình đã thực hiện, sử dụng các chỉ số như OEE (Overall Equipment Effectiveness) để đo lường hiệu suất thiết bị. Từ kết quả đánh giá, hãy xác định các điểm cần cải thiện, ví dụ giảm thời gian ngừng máy hoặc tối ưu hóa công suất..

Xem thêm: OEE là gì?

4. Các sai lầm cần tránh khi lập lịch trình sản xuất

Lập lịch trình sản xuất tưởng chừng đơn giản nhưng lại khiến không ít doanh nghiệp vấp phải những sai lầm không đáng có. Cùng nhận diện những sai lầm thường gặp và hướng giải quyết

4.1 Không dự trù rủi ro

Một trong những lỗi phổ biến nhất khi lập lịch trình sản xuất là không lường trước các rủi ro như thiếu nguyên liệu hoặc hỏng hóc thiết bị. Hãy tưởng tượng dây chuyền sản xuất của bạn phải đột ngột dừng lại vì máy móc hỏng mà không có phụ tùng thay thế, hoặc đơn hàng bị trì hoãn vì nhà cung cấp trễ giao hàng. Những tình huống này không chỉ làm gián đoạn tiến độ mà còn đẩy chi phí sửa chữa và bồi thường lên cao.

Giải pháp: Hãy xây dựng một kế hoạch dự phòng thông minh song song với lịch trình sản xuất. Ngoài ra, cần đưa vào lịch trình sản xuất các hạng mục bảo trì máy móc định kỳ để phòng ngừa và phát hiện sớm các rủi ro tiềm ẩn.

4.2 Thiếu sự phối hợp giữa các bộ phận

Một lịch trình sản xuất chỉ hiệu quả khi các bộ phận cùng làm việc đồng bộ. Tuy nhiên, sự thiếu phối hợp thường xảy ra khi thông tin không được chia sẻ kịp thời gây ra sự gián đoạn của tiến độ.

Giải pháp: Người quản lý cần tăng cường giao tiếp liên phòng ban thông qua các cuộc họp ngắn hàng ngày hoặc tuần, nơi mọi người cập nhật tình hình và giải quyết vấn đề ngay lập tức. Đồng thời, áp dụng hệ thống ERP để đồng bộ dữ liệu giữa các bộ phận, đảm bảo mọi thay đổi trong lịch trình được phản ánh tức thì, hỗ trợ cải thiện sự phối hợp và giảm thiểu sai sót.

Xem thêm: Tìm hiểu về hệ thống ERP

5. Kết Luận

Lập lịch trình sản xuất là một nghệ thuật đòi hỏi kinh nghiệm và tư duy cao từ đội ngũ quản lý. Thông qua việc tìm hiểu tổng quan về công tác lập lịch trình sản xuất, quy trình và các sai lầm thường gặp, doanh nghiệp của bạn sẽ có được lịch trình phù hợp hướng tới mục tiêu tối đa hiệu quả của quá trình sản xuất.

Hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí các giải pháp phần mềm tiên tiến, nâng cao chất lượng dây chuyền sản xuất.

0/5 - (0 bình chọn)