Công nghệ RFID – Chìa khoá Track & Trace cho các nhà sản xuất

công nghệ rfid
  • Nhận diện nhiều đối tượng cùng một lúc từ xa thay vì quét mã vạch từng đối tượng dưới ánh sáng trực tiếp
  • Nhận diện, kiểm soát đối tượng ngay cả trong những điều kiện và môi trường khắc nghiệt qua sóng vô tuyến

Chính những lợi ích vượt trội này đã khiến cho công nghệ RFID được cho rằng sẽ trở thành tương lai của quy trình Track & trace. Vậy công nghệ RFID là gì? Và công nghệ này có thể ứng dụng như thế nào trong ngành sản xuất?

Công nghệ RFID là gì?

Công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) là công nghệ nhận dạng qua tần số vô tuyến, sử dụng trường điện từ để xác định và theo dõi thẻ (RFID tag) nhận dạng gắn vào một đối tượng cụ thể.

Ưu điểm lớn nhất của RFID là công nghệ không sử dụng tia sáng trực tiếp như barcode, do đó có thể đọc dữ liệu một cách tự động ở khoảng cách từ 50cm đến 10m. Thêm vào đó, công nghệ này còn cho phép nhận dạng dữ liệu xuyên qua các môi trường, vật liệu như bê tông, băng đá, tuyết, sương mù,…

Công nghệ RFID hoạt động như thế nào?

Một hệ thống RFID bao gồm:

  • Thẻ RFID (RFID Tag, được hiểu là Transponder): gắn vào đối tượng cần giám sát, có vi mạch lưu trữ thông tin của đối tượng đó. Có 2 loại thẻ RFID:
    • Passive RFID: thụ động nhận nguồn từ ăng-ten đọc, chỉ có thể đọc ở khoảng cách ngắn
    • Active RFID: có nguồn điện riêng, thường là pin
  • Thiết bị đọc thẻ RFID (RFID Reader, được hiểu là Transceiver): nhận dạng và đọc dữ liệu trong thẻ RFID. Thiết bị đọc thẻ có thể gắn cố định hoặc sử dụng di động.
  • Ăng-ten (Antenna)
  • Server (Host process control): lưu trữ, xử lý dữ liệu, giám sát, thống kê, điều khiển,…

    Công nghệ RFID hoạt động như thế nào
    Công nghệ RFID hoạt động như thế nào

Nguyên lý hoạt động của công nghệ RFID như sau: Thiết bị đọc thẻ RFID phát ra sóng điện từ ở một tần số nhất định. Thẻ RFID khi ở trong vùng phủ sóng điện từ này sẽ thu nhận năng lượng và phát lại mã số thẻ cho cho thiết bị đọc. Thiết bị đọc từ đó sẽ nhận diện có những thẻ nào đang trong vùng phủ sóng cũng như những thông tin được lưu trữ trong đó. Những thông tin này có thể được giám sát và điều chỉnh trên Server.

So sánh Công nghệ RFID với Mã vạch

Mã vạch Thẻ RFID
Đòi hỏi ánh sáng trực tiếp để quét Có thể quét nhiều đối tượng riêng lẻ cùng một lúc mà không cần ánh sáng trực tiếp
Chỉ có thể quét mã trong cự ly gần Có thể scan trong tầm xa lên đến 10m
Dữ liệu chỉ có thể đọc và không được thay đổi Dữ liệu có thể được cập nhật theo thời gian thực (real-time)
Có thể đọc một mã trong vòng nửa giây Có thể đọc một thẻ trong vòng 100 mili giây

 

Ứng dụng công nghệ RFID trong sản xuất

1. Truy xuất nguồn gốc

Thẻ RFID trên một sản phẩm gắn liền với sản phẩm trong cả quy trình, đó từ sản xuất đến lưu kho, vận chuyển và giao nhận,… Khả năng lưu trữ và cập nhật thông tin ở từng công đoạn của thẻ RFID cho phép ghi lại toàn bộ vòng đời sản phẩm một cách tự động, từ đó giúp nhà quản lý truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, nguyên vật liệu một cách dễ dàng và nhanh chóng. Điều này cũng cho phép xác định vị trí của một sản phẩm trên dây chuyền sản xuất cũng như trạng thái hiện tại của sản phẩm đó.

2. Cải tiến quy trình sản xuất

Hầu hết các ngành công nghiệp sản xuất đều đòi hỏi sẵn có nguyên vật liệu, công cụ, máy móc và lao động phù hợp nhằm không làm gián đoạn sản xuất. Công nghệ RFID có thể cung cấp cho các nhà quản lý thông tin sản xuất cần thiết trong thời gian thực. Thêm vào đó, với thẻ RFID đọc-ghi, các nhà quản lý cũng có thể giám sát và sửa đổi các bước sản xuất sao cho phù hợp với nhu cầu của dự án.

3. Ứng dụng RFID trong quản lý tồn kho

RFID giải quyết vấn đề tốn thời gian và khả năng xảy ra lỗi của quy trình kiểm kê thủ công cũng như loại bỏ bước scan thủ công của mã vạch, đem đến một quy trình theo dõi hàng tồn kho nhanh chóng và chính xác hơn, hứa hẹn một xu hướng kho hàng mới trong tương lai.

Hệ thống quản lý tồn kho với RFID cũng mang đến một cái nhìn trực quan hơn về hàng tồn kho trong nhà máy. Nhà quản trị sẽ luôn biết tình trạng số lượng sản phẩm/WIP sẵn có trong nhà máy (dựa vào vùng phủ sóng vô tuyến), từ đó duy trì tồn kho ở mức tối ưu chi phí cũng như dự báo được thời điểm và số lượng đặt hàng hợp lý.

Năm 2014, Zara đã bắt đầu ứng dụng công nghệ RFID trong quy trình quản lý hàng tồn kho. Chip RFID nằm trong thẻ an ninh gắn với từng mặt hàng, và được gỡ bỏ khi mặt hàng đó được mua. Nhờ đó, khi một mặt hàng được bán ra, cửa hàng sẽ được thông báo về các thông tin lưu trữ trên thẻ RFID (loại hàng, kích thước, màu sắc,…), từ đó dễ dàng lên kế hoạch đặt lượng hàng thay thế cho những món đồ đã bán.

Zara ứng dụng công nghệ RFID
Zara ứng dụng công nghệ RFID

4. Nâng cao hiệu quả máy móc thiết bị

Để một cơ sở sản xuất hoạt động tối ưu, việc theo dõi và bảo dưỡng máy móc luôn là một bài toán lớn. RFID có thể cung cấp tình trạng máy móc một cách kịp thời và chính xác. Khả năng cập nhật thông tin của thẻ RFID giúp lưu lại thông tin chi tiết về lịch sử sử dụng, vệ sinh và bảo trì cũng như tình trạng tổng thể của thiết bị.

5. Kiểm soát chất lượng

Việc công nghệ RFID có thể giám sát và báo cáo dữ liệu ở từng giai đoạn sản xuất trở nên vô cùng hữu ích trong việc phân tích nguyên nhân gốc rễ khi xảy ra hỏng hóc, sai sót trong quá trình sản xuất.

Có thể thấy rằng, công nghệ RFID mang đến một bước tiến mới cho quy trình Track & trace cũng như toàn bộ quy trình sản xuất.

Nếu doanh nghiệp của bạn mong muốn đầu tư vào công nghệ RFID trong hệ thống vận hành nhà máy thông minh, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi – VTI Solutions với đội ngũ kỹ thuật cao cùng nhiều năm kinh nghiệm là đối tác của các doanh nghiệp Nhật Bản luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn.

0/5 - (0 bình chọn)