Trí tuệ kinh doanh BI là gì? Liệu nhà sản xuất có thể tích hợp BI vào hệ thống ERP?

trí tuệ kinh doanh BI

Lượng dữ liệu được tạo ra trong suốt quá trình sản xuất ngày nay – từ lúc phát triển sản phẩm cho đến sản xuất và giao tới tay khách hàng – thật đáng kinh ngạc. Tuy vậy, khả năng sử dụng khối lượng dữ liệu đó vẫn còn khá hạn chế, dẫn đến lãng phí rất nhiều dữ liệu thông tin quan trọng.  Đây là lúc trí tuệ kinh doanh (BI – Business Intelligence) phát huy tác dụng, giúp các công ty sản xuất thu thập và phân tích dữ liệu, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra các phương án và hành động thích hợp kịp thời.

Trí tuệ kinh doanh BI là gì?

Business Intelligence (BI) – trí tuệ kinh doanh là một hệ thống/phần mềm thu thập và phân tích đánh giá các dữ liệu sản xuất (dạng thô), biến chúng thành các “trí tuệ” (kiến thức, hiểu biết) có ý nghĩa và có thể hỗ trợ đưa ra các quyết định, hành động thích hợp. Một cách đơn giản, BI thực sự là một cách cải thiện hoạt động của doanh nghiệp bằng cách sử dụng và phân tích dữ liệu tổ chức có trong tay. 

Khi ngày càng nhiều dữ liệu có sẵn để các doanh nghiệp phân tích và sử dụng, các công ty có thể khai thác tất cả dữ liệu này và chọn lọc thông tin có ý nghĩa, đưa ra các quyết định và hành động đúng đắn kịp thời, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Mặc dù các hệ thống trí tuệ kinh doanh BI khá đa dạng khả năng và mục đích, nhưng chúng đều phục vụ cùng một chức năng: giúp các công ty đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu thực tế. Nghiên cứu cho thấy rằng các doanh nghiệp sử dụng phần mềm phân tích như thế này có khả năng đưa ra quyết định nhanh hơn gấp 5 lần so với các doanh nghiệp không sử dụng. Đây là một phần lý do tại sao BI ngày càng trở nên phổ biến đối với các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các nghiên cứu cho thấy rằng 14 tỷ đô la được chi cho phần mềm BI mỗi năm và 55 tỷ đô la được chi cho các dịch vụ liên quan đến BI.

Lợi ích của Trí tuệ kinh doanh BI đối với quy trình sản xuất

Khả năng hiển thị chuỗi cung ứng từ đầu-cuối

Với tính năng phân tích chuỗi cung ứng và trực quan hóa dữ liệu của Trí tuệ kinh doanh BI, tổ chức có thể thiết lập khả năng hiển thị chuỗi cung ứng từ đầu đến cuối và ưu tiên đúng mức khách hàng, nhà cung cấp và đối tác mà không cần phải thiết lập các hệ thống lưu trữ dữ liệu cồng kềnh và không trực quan.

BI nâng cao hiệu quả hoạt động

Khả năng theo dõi hiệu suất của từng bộ phận và từng thiết bị của Trí tuệ kinh doanh BI cho phép người quản lý giảm thiểu và sửa chữa các sai sót trong chu kỳ sản xuất một cách kịp thời. Ngoài ra, dữ liệu và dự báo nhu cầu đặt hàng như nguyên vật liệu thô giúp quá trình vận chuyển và nhận hàng đạt hiệu quả tối ưu và tăng khả năng đáp ứng nhu cầu đặt hàng đúng lúc.

Quản lý năng suất

Các nhà quản lý có thể sử dụng trí tuệ kinh doanh BI để theo dõi thời gian chết của từng bộ phận thiết bị, máy móc và cả nhân viên để xác định đối tượng cần thực hiện các điều chỉnh. Phân tích dự đoán có thể được sử dụng để xem xét và đưa ra cảnh báo, giúp tránh những tắc nghẽn tiềm ẩn trong sản xuất và đảm bảo năng suất liên tục.

Xem thêm: Đo lường năng suất của nhà máy với 6 loại KPI sản xuất phổ biến

Kiểm soát hàng tồn kho

Hàng hóa và vật liệu tồn đọng trong kho có thể làm tiêu hao ngân sách rất lớn. Doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu từ BI để đảm bảo có đủ nguyên liệu thô đáp ứng yêu cầu sản xuất và có đủ hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Theo dõi chu kỳ sản xuất

Chu kỳ sản xuất phải càng ngắn càng tốt để duy trì lợi nhuận trong khi vẫn cho phép sản xuất ra sản phẩm có chất lượng. Doanh nghiệp có thể theo dõi và giám sát chu kỳ sản xuất, bao gồm cả quá trình nhập nguyên liệu và dịch vụ hậu mãi khi sử dụng trí tuệ BI.

Đảm bảo chất lượng

Tất cả thông tin về chất lượng sản xuất có thể được kiểm soát bởi BI. Các nhà quản lý cần biết có bao nhiêu thành phần đang được sản xuất  đạt tiêu chuẩn và bao nhiêu thành phần cuối cùng sẽ bị loại do lỗi từ sản xuất. Giảm chi phí của các sản phẩm bị mất hoặc bị lỗi có thể gián tiếp giúp tăng lợi nhuận tổng thể.

Giám sát và hiệu quả thiết bị

Thiết bị phải hoạt động ở hiệu suất tối đa với thời gian ngừng hoạt động tối thiểu để hoạt động sản xuất được tối ưu. Với BI, việc quản lý hiệu suất thiết bị cho phép nhà sản xuất theo dõi các số liệu để dễ dàng kiểm soát và cải thiện hiệu quả tổng thể của thiết bị.

Quản lý tuân thủ

Nhiều nhà sản xuất cần tuân thủ các yêu cầu về an toàn và hiệu suất. Trí tuệ kinh doanh BI cung cấp kiến ​​thức để cho phép nhà sản xuất duy trì các tiêu chuẩn tuân thủ.

Vai trò quan trọng nhất của trí tuệ kinh doanh BI trong việc cải tiến quy trình sản xuất là việc giám sát và tăng cường tất cả các thành phần riêng lẻ dẫn đến những cải thiện lâu dài về lợi nhuận.

BI khác với ERP như thế nào?

Hệ thống ERP về cơ bản tích hợp tất cả các chức năng khác nhau trong doanh nghiệp và khắc phục cái gọi là ‘tâm lý silo’ (các bộ phận hoặc thành phần nào đó không muốn chia sẻ thông tin với những người khác trong cùng một công ty) bằng cách tạo ra một kiến ​​trúc dữ liệu tập trung và duy nhất. Phần mềm ERP thu thập, lưu trữ và quản lý dữ liệu liên quan đến các hoạt động kinh doanh. Mục tiêu chính của phần mềm ERP là hiệu quả kinh doanh và tiết kiệm chi phí.

Trí tuệ kinh doanh BI và ERP thường bị nhầm lẫn khi chúng hoạt động cùng nhau và các định nghĩa cốt lõi của chúng cho thấy mức độ trùng lặp, tuy nhiên chúng khác nhau đáng kể:

  • ERP thu thập dữ liệu doanh nghiệp trong khi Business Intelligence phân tích dữ liệu doanh nghiệp và sử dụng trang tổng quan và các giao diện khác để trình bày dữ liệu đó một cách trực quan dễ tiếp cận cũng như hỗ trợ đưa ra các quyết định và hành động.
  • Hệ thống ERP phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp có tổ chức hơn và hợp lý hóa triệt để các chức năng quản trị. Trong khi đó, việc áp dụng các phần mềm BI hợp lý giúp doanh nghiệp phân tích các dữ liệu sản xuất, xu hướng thị trường và dự báo các hành động thích hợp.

Cũng từ đây rất nhiều nhà sản xuất quyết định tích hợp Trí tuệ kinh doanh BI vào trong hệ thống ERP của mình để tối ưu hóa lợi ích và tính năng của cả hai, qua đó góp phần nâng cao khả năng đưa ra các quyết định và hành động phù hợp với từng thời điểm.

Sự kết hợp giữa ERP và BI mang lại lợi ích gì cho nhà sản xuất?

Một trong những thách thức khó khăn nhất mà các nhà sản xuất hiện đại phải đối mặt là  quản lý lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập. Số lượng thông tin về hoạt động sản xuất trong nhà máy có sẵn là quá lớn để một người (hoặc thậm chí một nhóm người) có thể xử lý. Nếu chỉ phân tích các dữ liệu được cho là quan trọng, thì số lượng còn lại là quá lãng phí, và thậm chí có thể bỏ sót các thông tin quan trọng.

Nhiều nhà sản xuất tìm đến giải pháp ERP để khắc phục vấn đề này. ERP ghi lại chi tiết các hoạt động trong nhà máy trong khi tự động hóa các quy trình. Tuy nhiên, nó có thể không có khả năng dịch dữ liệu lớn thành thông tin chi tiết hữu ích một cách nhanh chóng và dễ dàng. Và đây cũng là lúc ta cần trí tuệ kinh doanh BI, giải pháp giúp phân tích dữ liệu và trình bày trong các báo cáo và biểu đồ trực quan với người dùng để cung cấp cái nhìn trực quan về hiệu suất doanh nghiệp. 

Với sức mạnh tổng hợp của ERP và Trí tuệ kinh doanh BI, tổ chức có thể đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu thông tin để thúc đẩy sự phát triển. BI  có khả năng  chuyển đổi dữ liệu trong phần mềm ERP và các ứng dụng khác thành những thông tin chi tiết quan trọng. Dưới đây là một số lợi ích mà sự kết hợp BI và ERP có thể mang lại:  

Thông tin chi tiết hữu ích

Trí tuệ kinh doanh BI có thể sử dụng cơ sở dữ liệu từ ERP để cung cấp những thông tin và hành động cho tổ chức. Thay vì phải tự vẽ ra các biểu đồ từ Excel, người dùng có thể xem trang tổng quan từ khả năng hiển thị trực quan của BI để có được dự đoán chính xác trong thời gian thực. 

Báo cáo chính xác

Tự động hóa phân tích dữ liệu và báo cáo không chỉ tiết kiệm thời gian; nó cũng giúp tổ chức tránh các lỗi nghiêm trọng và không nhất quán. Khi nhân viên tự soạn báo cáo theo cách thủ công, đôi khi sẽ xảy ra vấn đề như dữ liệu không được nhập chính xác cũng như các định dạng báo cáo và phương pháp thu thập dữ liệu khác nhau. Khi đó, các nhà điều hành sẽ lãng phí thời gian và mắc nhiều lỗi hơn khi cố gắng ghép các thông tin này lại với nhau.

Khi BI được tích hợp với  ERP, tất cả mọi người trong tổ chức sẽ làm việc với cùng một nguồn dữ liệu và công cụ báo cáo để có được bức tranh chính xác về hiệu suất doanh nghiệp một cách toàn diện. Hơn nữa, những hiểu biết sâu sắc của giải pháp BI có thể bổ sung độ chính xác cao hơn cho các quy trình sản xuất trong nhà máy.

Cải tiến kinh doanh

Trí tuệ kinh doanh BI có thể dễ dàng hỗ trợ các cải tiến kinh doanh. Dữ liệu là một trong những tài sản quý giá nhất đối với một nhà sản xuất trong thời kỳ 4.0. Cùng với nhau, BI và ERP có thể giúp nhà sản xuất tận dụng toàn bộ sức mạnh của dữ liệu của mình. Đây là một số cải tiến cụ thể : 

  • Theo dõi và giảm chi phí hàng tồn kho trên nhiều địa điểm 
  • Sử dụng các chỉ số hoạt động thời gian thực để cải thiện Hiệu quả Tổng thể của Thiết bị (OEE ) và lên lịch bảo trì máy móc
  • Có được thông tin chi tiết chuyên sâu về quy trình sản xuất để xác định cách giảm lãng phí, cải thiện thời gian chu kỳ và thực hiện các cải tiến có giá trị khác 
  • Nhận thông báo ngay lập tức khi có sự giảm sút về  chất lượng  hoặc hiệu quả trong nhà máy
  • Cải thiện dự báo nhu cầu  
  • Thu thập dữ liệu thời gian thực trên toàn bộ cửa hàng để cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc và quy định tuân thủ 
  • Theo dõi các KPI, chẳng hạn như tỷ lệ doanh thu và tỷ lệ lợi nhuận trên nhiều địa điểm để tối ưu hóa việc ra quyết định 
Sự kết hợp giữa ERP và BI
Sự kết hợp giữa ERP và BI hứa hẹn mang lại giải pháp toàn diện cho việc quản lý dữ liệu sản xuất

Kết luận

Trí tuệ kinh doanh BI là một giải pháp hiệu quả cho việc phân tích dữ liệu sản xuất và dựa vào đó để đưa ra các quyết định hành động thích hợp. Và nếu doanh nghiệp bạn thắc mắc liệu có nên tích hợp BI vào hệ thống ERP sẵn có của mình không, thì câu trả lời là có.

Các giải pháp ERP hợp lý hóa hiệu quả các hoạt động và thu thập thông tin quan trọng, nhưng để thực sự tối đa hóa giá trị phần mềm của bạn, hãy  chuyển đổi dữ liệu ERP thành những thông tin chi tiết hữu ích với BI. Sự kết hợp của ERP và BI sẽ thúc đẩy năng suất và việc ra quyết định của bạn, qua đó giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

0/5 - (0 bình chọn)