Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm do sản xuất là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường trên toàn thế giới. Quá trình này tạo ra các chất ô nhiễm, chẳng hạn như khí thải nhà kính, ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước. Theo báo cáo của Cơ quan Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), ô nhiễm do sản xuất chiếm khoảng 20% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu, 25% lượng ô nhiễm không khí và 40% lượng ô nhiễm nước.
Việc chuyển sang sản xuất xanh không chỉ tốt cho môi trường mà còn gây dựng lòng tin với khách hàng vì người tiêu dùng ngày càng đề cao những nhà cung cấp với mô hình kinh doanh bền vững, thân thiện với môi trường và người tiêu dùng ngày càng chỉ mua sắm với các doanh nghiệp thực hành sản xuất có trách nhiệm.
Sản xuất xanh là gì?
Sản xuất xanh là quá trình sản xuất dựa trên việc áp dụng những giải pháp tiết kiệm năng lượng, nguồn nguyên vật liệu thân thiện với môi trường nhưng vẫn đạt hiệu quả cao để tạo ra những sản phẩm chất lượng tăng tính cạnh tranh trên thị trường cũng như có cơ hội tiếp cận những thị trường khó tính để tạo ra hiệu suất kinh tế tốt hơn.
Sản xuất xanh là việc đổi mới quy trình sản xuất và thiết lập các hoạt động thân thiện với môi trường trong lĩnh vực sản xuất. Điều này có nghĩa là người lao động sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, giảm ô nhiễm và chất thải, tái chế và tái sử dụng vật liệu cũng như giảm lượng khí thải trong quy trình của họ. Các doanh nghiệp sử dụng các công nghệ và phương pháp nhằm hạn chế những tác động tới môi trường.
Các nhà sản xuất xanh nghiên cứu, phát triển hoặc sử dụng các công nghệ và phương pháp thực hành để giảm thiểu tác động của chúng đến môi trường.
- Sử dụng năng lượng tái tạo – Các nhà sản xuất thường tiêu thụ một lượng lớn năng lượng để tạo ra sản phẩm. Các doanh nghiệp có thể tìm thấy các nguồn năng lượng tái tạo, giảm bớt căng thẳng cho việc cung cấp năng lượng và giảm tác động đến môi trường.
- Tăng cường hiệu quả năng lượng – Các doanh nghiệp không chỉ có thể thay đổi nguồn năng lượng mà còn có thể cải thiện lượng năng lượng cần thiết để sản xuất sản phẩm.
- Giảm ô nhiễm – Hạn chế lượng ô nhiễm mà doanh nghiệp tạo ra có thể tác động tích cực đến môi trường. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc tái chế và phát triển công nghệ mới để ngăn chặn ô nhiễm.
- Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên – Các nhà máy sản xuất lớn thường thải ra lượng khí độc rất có hại, vì vậy các nhà sản xuất có thể đóng góp cho môi trường bằng cách cam kết bảo vệ các khu vực tự nhiên.
Lợi ích của sản xuất xanh
Nhiều nhà sản xuất đang bắt đầu áp dụng các phương pháp thân thiện với môi trường và người tiêu dùng dần quan tâm, ưa chuộng các nhà sản xuất xanh. Các doanh nghiệp và người mua hàng có xu hướng lựa chọn những công ty sản xuất quan tâm đến môi trường hơn.
Bằng cách ứng dụng các biện pháp sản xuất thân thiện với môi trường, nhà quản trị có thể thu lại nhiều cơ hội, lợi ích cho doanh nghiệp như:
- Gây dựng lòng tin của khách hàng và thu hút khách hàng mới
- Giảm thiểu chi phí
- Tác động tích cực tới xã hội
- Thúc đẩy tinh thần lao động
Quy trình ứng dụng sản xuất xanh cho doanh nghiệp
Bước 1: Phân tích các tác động lên môi trường của doanh nghiệp
Giai đoạn đầu tiên cần phân tích, đánh giá mức độ tác động của hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Dựa vào dữ liệu đó, doanh nghiệp có thể đưa ra các phương án cải thiện phù hợp với nguồn lực và định hướng của mình.
Bước 2: Lập kế hoạch
Dựa vào các mục tiêu, dữ liệu đã được phân tích từ bước 1, bước tiếp theo sẽ là đưa ra đánh giá, ưu tiên các vấn đề cần giải quyết trước. Sau đó doanh nghiệp sàng lọc các công việc quan trọng cần thực hiện với hoạt động sản xuất xanh, tạo cơ sở cho theo dõi mức độ tiến triển.
Bước 3: Thực hiện đánh giá
Thông qua các dữ liệu thu thập được, nhà quản lý sẽ nắm được báo cáo chi tiết về kết quả đánh giá hoạt động sản xuất xanh của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các biện pháp cải tiến hoặc duy trì kết quả sản xuất xanh.
Bước 4: Kiểm tra và hành động
Để đạt được mục tiêu, doanh nghiệp cần đánh giá hoạt động sản xuất xanh nhằm xác định chế độ cải tiến hoặc điều chỉnh chiến lược, cách thức vận hành, quản lý doanh nghiệp. Hoạt động này nhằm thúc đẩy sự tiến bộ trong sản xuất xanh và đảm bảo chiến lược, các biện pháp theo đúng dự kiến. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần có những chính sách để nâng cao hiệu quả và duy trì mô hình sản xuất xanh.
Công nghệ 4.0 ứng dụng trong sản xuất xanh 2024
Tự động hoá
Tự động hóa công nghiệp là động lực trong sản xuất kể từ cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên. Vào năm 2024, chúng ta sẽ chứng kiến sự thay đổi đáng chú ý khi sự phát triển trong các giải pháp phần mềm và robot giúp tự động hóa trở nên dễ tiếp cận hơn và tiết kiệm chi phí hơn.
Nhiều tác vụ thủ công trong sản xuất có thể được tự động hóa bằng công nghệ số. Ví dụ tự động hóa bằng robot có thể được sử dụng để hợp lý hóa các quy trình sản xuất khác nhau, từ xử lý nguyên liệu đầu vào đến công đoạn hoàn thiện sản phẩm. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường. Ví dụ, việc sử dụng hệ thống điều khiển máy móc tự động (PLC) có thể giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình sản xuất, giảm thiểu lãng phí nguyên vật liệu và năng lượng.
Thực hiện biện pháp 5S
Với phạm vi doanh nghiệp không bị giới hạn, phương pháp 5S có thể áp dụng được với mọi loại hình tổ chức, phù hợp với mọi quy mô, lĩnh vực của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp của bạn đang gặp vấn đề trong việc đi tìm kiếm những phương hướng xử lý công việc một cách khoa học, thân thiện phù hợp và hiệu quả thì phương pháp 5S chính là lời giải tối ưu nhất cho bài toán trên.
Mặc dù các nguyên tắc sản xuất tinh gọn bắt nguồn từ Nhật Bản nhưng hệ thống 5S hiện đang giúp các doanh nghiệp trên toàn cầu hưởng lợi từ các công cụ tinh gọn. Phương pháp 5S đảm bảo rằng tổ chức được tối ưu hóa để làm việc hiệu quả, có trật tự — không có sự lộn xộn và hỗn loạn thường thấy ở xưởng sản xuất. Bằng cách áp dụng một cấu trúc và hệ thống phù hợp, doanh nghiệp có thể nâng cao năng suất và duy trì mục tiêu sản xuất xanh bền vững.
Internet vạn vật IoT
Internet of Things (IoT) giúp thu thập và truyền dữ liệu từ các thiết bị sản xuất, từ đó giúp nhà sản xuất theo dõi và giám sát hoạt động sản xuất một cách hiệu quả hơn. Dữ liệu này có thể được sử dụng để phát hiện các vấn đề tiềm ẩn, đưa ra các giải pháp cải thiện hiệu suất sản xuất và giảm thiểu lãng phí, gián đoạn. Từ đó, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất xanh.
Dữ liệu lớn (big data)
Big data được sử dụng để phân tích dữ liệu lịch sử và dữ liệu thời gian thực. Dữ liệu này có thể được sử dụng để đưa ra các quyết định sáng suốt hơn về sản xuất, chẳng hạn như lựa chọn nguyên vật liệu, thiết kế sản phẩm, hoặc lập kế hoạch sản xuất. Big data có thể được sử dụng để phân tích dữ liệu bán hàng để dự báo nhu cầu sản phẩm, hoặc phân tích dữ liệu môi trường để tối ưu hóa sử dụng năng lượng.
Số hóa quy trình quản lý
Số hóa quy trình quản lý giúp doanh nghiệp thu thập và phân tích dữ liệu một cách hiệu quả. Điều này giúp doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về hoạt động sản xuất của mình, từ đó đưa ra các quyết định sản xuất xanh hơn. Ví dụ, doanh nghiệp có thể áp dụng hệ thống MRP để dự báo nhu cầu vật liệu, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, chẳng hạn như giảm thiểu lãng phí và sử dụng năng lượng hiệu quả. Ví dụ: một doanh nghiệp có thể sử dụng hệ thống tự động hóa để kiểm soát quá trình sản xuất và giảm thiểu việc sử dụng nguyên liệu.
Trí tuệ nhân tạo AI
Lượng dữ liệu phong phú được xử lý bởi trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là nhân tố chính trong các xu hướng sản xuất cho năm 2024, cung cấp các giải pháp để phân tích các tập dữ liệu khổng lồ và xác định các biện pháp cực cho môi trường. Các ứng dụng AI có thể mang lại lợi ích cho việc quản lý hàng tồn kho, khả năng hiển thị của chuỗi cung ứng, giảm chi phí lưu kho và kiểm soát chất lượng.
Ngoài ra, các công ty sản xuất có thể tận dụng sức mạnh của các giải pháp Trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi lượng khí thải, hiểu tác động của chúng, rút ra những hiểu biết sâu sắc và tạo ra các giải pháp trở nên thân thiện với môi trường.
Ngày nay, các hoạt động sản xuất có thể có Digital Twins tích hợp Internet of Things (IoT) giúp việc thu thập dữ liệu trở nên đơn giản. Dữ liệu có thể được sử dụng để đặt ra các mục tiêu xử lý chất thải dựa trên cơ sở khoa học. Điều này có thể giúp các công ty sản xuất có thể đưa ra quyết định thông minh về cách thức và địa điểm để giảm lượng khí thải. Dữ liệu cũng có thể giúp ích trong những việc sau:
- Điều chỉnh mức độ chiếu sáng theo tiến độ sản xuất
- Xác định các rò rỉ lãng phí năng lượng mà người quản lý sản xuất có thể khắc phục
- Nhận thông tin chuyên sâu về tổn thất năng suất như giảm tốc độ và ngừng hoạt động theo kế hoạch, đồng thời khắc phục chúng bằng cách triển khai các phương pháp bảo trì dựa trên dữ liệu.
Công nghệ 4.0 đang mang đến những cơ hội lớn cho sản xuất xanh. Các doanh nghiệp cần nắm bắt các xu hướng công nghệ này để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu tác động đến môi trường và phát triển bền vững.